CƠ SỞ DỮ LIỆU SỐ PHẦN MỀM GXD
Duy trì bởi Công ty CP Giá Xây Dựng đơn vị hàng đầu cung cấp phần mềm Dự toán GXD.
Địa chỉ: 124 Nguyễn Ngọc Nại, Thanh Xuân, Hà Nội

DÙNG LÀ THÍCH, KÍCH LÀ SƯỚNG !


BỘ VĂN HOÁ THÔNG TIN
​ĐỊNH MỨC DỰ TOÁN
BẢO QUẢN, TU BỔ VÀ PHỤC HỒI
DI TÍCH LỊCH SỬ – VĂN HOÁ
DANH LAM THẮNG CẢNH
Hà Nội, tháng 3 năm 2004

BỘ VĂN HOÁ-THÔNG TIN
-------

Số: 13/2004/QĐ-BVHTT

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
----------------------------------------

Hà Nội, ngày 01 tháng 04 năm 2004

QUYẾT ĐỊNH
Về việc ban hành “định mức dự toán bảo quản, tu bổ và phục hồi di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh”
------------

BỘ TRƯỞNG BỘ VĂN HÓA - THÔNG TIN

Căn cứ Nghị định số 63/2003/NĐ-CP ngày 11 tháng 06 năm 2003 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Văn hóa - Thông tin;

Căn cứ Nghị định số 52/1999/NĐ-CP ngày 08 tháng 07 năm 1999 của Chính phủ ban hành Quy chế quản lý đầu tư và xây dựng và các Nghị định số 12/2000/NĐ-CP ngày 05 tháng 05 năm 2000, Nghị định số 07/2003/NĐ-CP ngày 30 tháng 01 năm 2003 của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số Điều của Quy chế quản lý đầu tư và xây dựng ban hành kèm theo Nghị định số 52/1999/NĐ-CP ngày 08 tháng 07 năm 1999 của Chính phủ;

Căn cứ Công văn số 384/BXD-KTTC ngày 29 tháng 03 năm 2004 của Bộ Xây dựng thống nhất để Bộ Văn hóa - Thông tin ban hành đưa vào áp dụng tập “Định mức dự toán bảo quản, tu bổ và phục hồi di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thẳng cảnh”;

Xét đề nghị của Cục trưởng Cục Di sản văn hóa,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Định mức dự toán bảo quản, tu bổ và phục hồi di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh.

Điều 2. Định mức dự toán bảo quản, tu bổ và phục hồi di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh là căn cứ để xây dựng đơn giá, lập dự toán cho các dự án, công trình bảo quản, tu bổ và phục hồi di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh theo quy định hiện hành của Nhà nước.

Điều 3. Quyết định này có hiệu lực sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.

Điều 4. Tổ chức, cá nhân xây dựng đơn giá, lập dự toán bảo quản, tu bổ và phục hồi di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.


THUYẾT MINH VÀ QUY ĐỊNH ÁP DỤNG
ĐỊNH MỨC DỰ TOÁN
BẢO QUẢN, TU BỔ VÀ PHỤC HỒI DI TÍCH LỊCH SỬ - VĂN HOÁ, DANH LAM THẮNG CẢNH
________________________

Việt Nam có lịch sử văn hóa truyền thống lâu đời. Trải qua mấy ngàn năm lịch sử dựng nước và giữ nước, tổ tiên đã để lại cho chúng ta những di sản văn hoá (di sản vật thể và phi vật thể) vô cùng quý báu. Trong đó, di sản vật thể bao gồm các loại hình như di tích lịch sử-văn hóa, di tích kiến trúc nghệ thuật, di tích khảo cổ và danh lam thắng cảnh được xếp hạng (gọi chung là di tích lịch sử- văn hoá, danh lam thắng cảnh). Trong đó phần lớn các di tích này chứa đựng những giá trị lịch sử, văn hoá, khoa học do bàn tay con người sáng tạo ra. Những di sản văn hóa này là sản phẩm tinh thần, vật chất có giá trị lịch sử, văn hóa, khoa học được lưu truyền từ thế hệ này qua thế hệ khác.

Di tích lịch sử - văn hoá, danh lam thắng cảnh Việt Nam hết sức đa dạng, phong phú về cấu trúc, đặc trưng nghệ thuật thể hiện nền văn hoá, nghệ thuật của các thời đại. Đặc biệt các công trình di tích được xây dựng phần lớn sử dụng thợ thủ công, nghệ nhân có tay nghề cao, có kỹ thuật chế tác tinh xảo... Qua năm tháng, bí quyết và truyền thống xây dựng đã được những nghệ nhân, thợ thủ công bảo tồn, phát huy và truyền lại cho đời sau.

Việc thống nhất các chỉ tiêu, thông số về kỹ thuật, nhân công, vật liệu xây dựng, các yếu tố xã hội, yếu tố truyền thống của dân tộc trong công tác tu bổ và phục hồi di tích hiện nay là một yêu cầu khách quan phù hợp với mục tiêu đầu tư để tu bổ và phục hồi nhằm bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa đã được đề ra trong Luật Di sản văn hoá.

# I- CƠ SỞ ĐỂ LẬP ĐỊNH MỨC DỰ TOÁN BẢO QUẢN, TU BỔ VÀ PHỤC HỒI DI TÍCH LỊCH SỬ - VĂN HOÁ, DANH LAM THẮNG CẢNH.

1- Căn cứ các quy trình, quy phạm kỹ thuật về thiết kế, thi công, hồ sơ thiết kế bảo quản, tu bổ và phục hồi các công trình di tích đã và đang được sử dụng ở nước ta và các định mức sử dụng về vật liệu, lao động trong xây dựng, cải tạo, sửa chữa công trình xây dựng cơ bản hiện hành có chỉnh sửa, bổ sung cho phù hợp với đặc điểm, tính chất của công tác tu bổ và phục hồi.

2- Căn cứ từ các số liệu, tài liệu được thu thập và tổng hợp về công tác tu bổ di tích trong cả nước qua các đợt khảo sát thực tế của nhóm chuyên gia nghiên cứu của Cục Di sản văn hoá - Bộ Văn hoá - Thông tin, Viện Bảo tồn di sản, Công ty tu bổ di tích và Thiết bị văn hóa TW, Viện Khoa học công nghệ xây dựng - Bộ Xây dựng, Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế, Trung tâm Bảo tồn di sản, di tích tỉnh Quảng Nam,... và tham khảo một số tiêu chuẩn, kinh nghiệm ở một số nước có công nghệ và kinh nghiệm tu bổ, phục hồi di tích như Nhật Bản, Ba lan, Trung Quốc,....

3- Căn cứ Định mức dự toán xây dựng cơ bản và Định mức dự toán công tác sửa chữa trong xây dựng cơ bản hiện hành của Nhà nước.

# II- NỘI DUNG ĐỊNH MỨC DỰ TOÁN BẢO QUẢN, TU BỔ VÀ PHỤC HỒI DI TÍCH LỊCH SỬ - VĂN HOÁ, DANH LAM THẮNG CẢNH

1- Mức hao phí vật liệu: Là mức quy định về sử dụng số lượng vật liệu chính, vật liệu khác trực tiếp cần cho việc thực hiện và hoàn thành khối lượng công tác tu bổ di tích. Số lượng vật liệu bao gồm cả hao hụt vật liệu trong khâu vận chuyển, bảo quản, gia công và thi công trong phạm vi thi công công trình.

2- Mức hao phí lao động: Là mức quy định về sử dụng ngày công của lao động trực tiếp thực hiện khối lượng công tác tu bổ di tích như hạ giải, gia công, tu bổ, phục chế, bảo quản, lắp dựng hoàn chỉnh,... theo yêu cầu thiết kế. Tuỳ theo tính chất và đặc điểm của từng nhóm, loại công tác tu bổ và phục hồi, mức hao phí nhân công bao gồm: Công nhân, hoạ sĩ, nghệ nhân trực tiếp thực hiện công tác tu bổ di tích (kể cả công nhân vận chuyển, bốc dỡ vật liệu trong phạm vi quy định).

# III- KẾT CẤU TẬP ĐỊNH MỨC DỰ TOÁN BẢO QUẢN, TU BỔ VÀ PHỤC HỒI DI TÍCH LỊCH SỬ - VĂN HOÁ, DANH LAM THẮNG CẢNH

1- Định mức dự toán được trình bày theo nhóm, loại công tác hoặc bộ phận, kết cấu hiện vật cần bảo quản, tu bổ và phục hồi. Mỗi nhóm loại định mức được trình bày tóm tắt thành phần công việc điều kiện kỹ thuật, điều kiện thi công, biện pháp thi công và được xác định theo đơn vị tính phù hợp để thực hiện công tác đó.

2- Các thành phần hao phí trong định mức được xác định theo các nguyên tắc sau:

+ Mức hao phí vật liệu chính được tính bằng số lượng theo đơn vị thống nhất của Nhà nước.

+ Mức hao phí vật liệu khác được tính bằng tỷ lệ % trên chi phí vật liệu chính.

+ Mức hao phí lao động nghệ nhân, hoạ sỹ, lao động phổ thông được tính bằng số ngày công theo cấp bậc công việc của lao động trực tiếp thực hiện công việc.

3- Ngoài quy định áp dụng chung quy định trong mục IV, trong mỗi chương đã có những quy định áp dụng riêng và thành phần công việc theo tính chất, đặc điểm của công tác bảo quản, tu bổ và phục hồi. Tập định mức chia thành 9 chương và 2 phụ lục:

Chương I: Công tác tháo dỡ, hạ giải di tích

Chương II: Công tác tu bổ, phục hồi các kết cấu xây bằng gạch, đá

Chương III: Công tác tu bổ, phục hồi các kết cấu, hiện vật bằng gỗ

Chương IV: Công tác tu bổ, phục hồi mái

Chương V: Công tác tu bổ, phục hồi các loại con giống, hoa văn, họa tiết trên các cấu kiện, hiện vật

Chương VI: Công tác nề ngoã hoàn thiện các cấu kiện, hiện vật

Chương VII: Công tác xử lý và bảo quản trên cấu kiện, hiện vật

Chương VIII: Công tác tu bổ, phục hồi các hiện vật sơn thếp

Chương IX: Công tác sản xuất, lắp dựng và tháo dỡ dàn giáo thi công

Phụ lục 1: Bảng định mức cấp phối vữa truyền thống. Phụ lục 2: Thuật ngữ cấu tạo di tích

4- Định mức dự toán bảo quản, tu bổ và phục hồi di tích lịch sử - văn hoá, danh lam thắng cảnh được mã hoá thống nhất theo hệ mã trong xây dựng gồm 6 chữ số

- 2 số đầu: Biểu thị số nhóm loại công tác tu bổ và phục hồi

- 2 số giữa: Biểu thị loại công tác tu bổ và phục hồi

- 2 số cuối: Biểu thị yêu cầu kỹ thuật hoặc điều kiện thi công

# IV- QUY ĐỊNH ÁP DỤNG

- Định mức dự toán bảo quản, tu bổ và phục hồi di tích lịch sử - văn hoá, danh lam thắng cảnh là định mức Kinh tế kỹ thuật xác định mức hao phí cần thiết về vật liệu, nhân công để hoàn thành một đơn vị khối lượng công tác bảo quản, tu bổ và phục hồi di tích từ khâu chuẩn bị đến khi kết thúc.

- Định mức dự toán bảo quản, tu bổ và phục hồi di tích lịch sử - văn hoá, danh lam thắng cảnh được áp dụng để lập đơn giá xây dựng làm cơ sở để lập dự toán và thanh toán các khối lượng công tác bảo quản, tu bổ và phục hồi các bộ phận kết cấu và hiện vật của công trình đã được xếp hạng là di tích lịch sử-văn hoá, danh lam thắng cảnh.

Ngoài bảng phụ lục quy định cấp phối một số loại vữa truyền thống trong tập định mức dự toán này, những loại công tác bảo quản, tu bổ và phục hồi di tích lịch sử-văn hoá, danh lam thắng cảnh có sử dụng vữa xây, vữa bê tông thông thường được áp dụng theo định mức cấp phối 1m3 vữa xây, vữa bê tông quy định trong định mức dự toán xây dựng cơ bản ban hành theo Quyết định số 1242/1998QĐ-BXD ngày 25/11/1998 của Bộ trưởng Bộ Xây dựng.

Trường hợp công tác bảo quản, tu bổ và phục hồi có yêu cầu kỹ thuật, mỹ thuật, điều kiện thi công khác với quy định trong định mức dự toán này thì chủ đầu tư, tổ chức tư vấn, đơn vị thực hiện bảo quản, tu bổ và phục hồi phải căn cứ vào hồ sơ thiết kế, địa điểm, điều kiện cụ thể, tính chất cụ thể của công tác để lập định mức, đơn giá trình cơ quan có thẩm quyền ban hành áp dụng.

Last Updated: 3/11/2023, 6:41:47 AM